Văn học - Literature - 文学
Các bạn đang truy cập vào forum YEUVANHOCVAN.FORUMVI.COM để trao đổi và thảo luận các vấn đề văn học trong trường THPT. Hãy đăng nhập để chúng tôi biết bạn là ai nhé

Join the forum, it's quick and easy

Văn học - Literature - 文学
Các bạn đang truy cập vào forum YEUVANHOCVAN.FORUMVI.COM để trao đổi và thảo luận các vấn đề văn học trong trường THPT. Hãy đăng nhập để chúng tôi biết bạn là ai nhé
Văn học - Literature - 文学
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.

TỪ TÍN NGƯỠNG PHỒN THỰC TRONG VĂN HÓA DÂN GIAN VIỆT NAM ĐẾN VIỆC TIẾP NHẬN THƠ NÔM HỒ XUÂN HƯƠNG

Go down

TỪ TÍN NGƯỠNG PHỒN THỰC TRONG VĂN HÓA DÂN GIAN VIỆT NAM ĐẾN VIỆC TIẾP NHẬN THƠ NÔM HỒ XUÂN HƯƠNG Empty TỪ TÍN NGƯỠNG PHỒN THỰC TRONG VĂN HÓA DÂN GIAN VIỆT NAM ĐẾN VIỆC TIẾP NHẬN THƠ NÔM HỒ XUÂN HƯƠNG

Bài gửi by Gaquay Sat Sep 24, 2011 11:17 pm

TỪ TÌM HIỂU TÍN NGƯỠNG PHỒN THỰC

TRONG VĂN HÓA DÂN GIAN VIỆT NAM

ĐẾN VIỆC TIẾP NHẬN THƠ NÔM HỒ XUÂN HƯƠNG


(ĐTTH)

Hồ Xuân Hương là tác giả lớn của văn học trung đại Việt Nam. Sáng tác của bà đã góp hương sắc, làm phong phú cho vườn hoa văn học. Người ta đã từng biết đến một Xuân Hương - "bà chúa thơ Nôm" với những vần thơ như muốn đào xới, lật tung khuôn khổ của thơ ca cũng như muốn lật tung cả xã hội phong kiến. Và người ta đã từng thừa nhận sức sống lâu bền của thơ Nôm Hồ Xuân Hương trong lòng công chúng không chỉ bởi nó sống trong đời sống sinh hoạt hàng ngày mà thơ bà còn có nguồn mạch từ văn học, văn hoá dân gian. Bài viết: "Từ tìm hiểu tín ngưỡng phồn thực trong văn hoá dân gian Việt Nam đến việc tiếp nhận thơ Nôm Hồ Xuân Hương" của chúng tôi sau đây sẽ phần nào chứng minh điều đó.

I. Tín ngưỡng và tín ngưỡng phồn thực

Theo từ điển tiếng Việt: ''Tín ngưỡng là tin theo một tôn giáo nào đó''.

Phồn thực: Phồn (nhiều), thực (nảy nở) à''Phồn thực'' là sinh sản để duy trì và phát triển giống nòi.

Ngay từ đầu, duy trì và phát triển sự sống đã là một nhu cầu thiết yếu nhất của con người. Đối với văn hoá nông nghiệp, việc này lại càng hệ trọng. Để duy trì cuộc sống, con người cần phải lao động, sản xuất và để duy trì giống nòi thì con người phải sinh nở. Hai hình thức: Sản xuất lúa gạo (Để duy trì cuộc sống) và sản xuất con người (để kế tục giống nòi) này có bản chất giống nhau. Đó là sự kết hợp của hai yếu tố khác loại (đất và trời, mẹ và cha)

Theo Trần Ngọc Thêm trong "Cơ sở văn hóa Việt Nam" thì ở nước ta, tín ngưỡng phồn thực tồn tại suốt chiều dài lịch sử với hai dạng biểu hiện: Thờ cơ quan sinh dục và thờ hành vi giao phối. Người ta tìm thấy ở Văn Điển - Hà Nội và ở thung lũng Sa Pa - Lào Cai những tượng đá hình nam nữ có bộ phận sinh dục phóng to có niên đại hàng nghìn năm trước Công Nguyên. Ở Phú Thọ, Hà Tĩnh và nhiều nơi khác có tục cúng nõ (nõn), nường (nõ = cái nêm - tượng trưng cho sinh thực khí nam còn "nường'' tượng trưng cho sinh thực khí nữ). Ở hội làng Đồng Kị (Bắc Ninh) có tục rước khí thực bằng gỗ, tan hội, chúng được đốt đi và đem chia cho mọi người rắc ra ngoài ruộng. Ở Hà Tây, Phú Thọ, Bắc Ninh trước đây vào dịp hội làng, người ta rước 18 bộ sinh dục khí và khi đám rước kết thúc, mọi người tranh cướp nhau vì tin rằng chúng sẽ đem lại may mắn, no đủ cho cả năm.

Việc thờ cúng sinh thực khí còn thể hiện ở việc thờ các loại cột đá, cột đá đó có thể là tự nhiên hoặc được tạc ra, và các loại hốc cây, hốc đá, kẽ nứt trên đá. Ở chùa Dạm - Bắc Ninh có một cột đá hình sinh thực khí nam nổi hình rồng - thời Lý.

Bên cạnh việc thờ sinh thực khí, cũng giống như nhiều dân tộc nông nghiệp khác, cư dân trồng lúa nước với lối tư duy coi trọng quan hệ còn có tục thờ hành vi giao phối - tạo nên một tín ngưỡng phồn thực độc đáo, đặc biệt phổ biến ở khu vực Đông Nam Á.

Ở làng Đào Thịnh (Yên Bái) người ta tìm được một nắp đồng ở khoảng 500 năm trước Công Nguyên, xung quanh hình mặt trời là tượng bốn đôi nam nữ đang giao phối. Vào dịp hội Đền Hùng, ở vùng đất tổ lưu truyền điệu múa của "tùng dí", thanh niên nam nữ múa từng đôi, cầm trong tay những vật biểu trưng cho sinh thực khí của nam và nữ, cứ mỗi tiếng trống "tùng" thì họ lại "dí" hai vật đó lại với nhau.

Từ thời xa xưa, chày và cối - bộ công cụ thân thiết của người nông nghiệp Đông Nam Á - đã là những vật tượng trưng cho sinh thực khí nam, nữ và việc giã gạo là tượng trưng cho hành động giao phối. Trên các trống đồng rất nhiều những hình nam nữ giã gạo từng đôi. Ở các làng quê xưa, rất phổ biến tục nam nữ vừa giã cối gạo rỗng vừa hát giao duyên thể hiện ước mong sẽ thành lứa đôi và sinh con đẻ cái. Một số trò chơi như ném còn, đánh đáo cũng là ước mong phồn thực, cầu may, cầu hạnh phúc.

Vai trò của tín ngưỡng phồn thực trong đời sống của người Việt cổ lớn tới mức chiếc trống đồng - biểu tượng cho quyền lực và sức mạnh của người xưa đồng thời cũng là biểu tượng toàn diện của tín ngưỡng phồn thực, được thể hiện trên các mặt sau: Hình dáng trống đồng được phát triển từ chiếc cối giã gạo; cách đánh trống theo lối cầm chày mà đâm lên mặt trống là mô phỏng động tác giã gạo - động tác giao phối; trên tâm mặt trống là hình mặt trời và những tia sáng biểu trưng cho sinh thực khí nam và giữa các tia sáng là một hình lá với khe ở giữa biểu trưng cho sinh thực khí nữ, xung quanh mặt trống thường gắn biểu tượng con cóc và tiếng trống đồng rền vang mô phỏng âm thanh của tiếng sấm cùng mang ý nghĩa trên, theo ý thức của người Việt mang theo mưa, khiến mùa màng tốt tươi.

II. Việc tiếp nhận thơ Nôm Hồ Xuân Hương

Thơ Nôm Hồ Xuân Hương được tiếp nhận từ nhiều góc độ khác nhau. Với khuôn khổ của một bài hội thảo, chúng tôi chỉ đề cập tới một khía cạnh nhỏ: Tiếp nhận thơ Hồ Xuân Hương dưới góc độ của tín ngưỡng phồn thực trong văn hoá dân gian Việt Nam

1. Thơ Nôm Hồ Xuân Hươngvới văn hoá dân gian Việt Nam

Xuất phát từ quan điểm văn học là một thành tố của văn hóa, chịu ảnh hưởng của văn hóa, thơ Hồ Xuân Hương ra đời lúc văn hóa, văn học dân gian đang phát triển, cho nên sự tác động của văn hóa, văn học dân gian đến nội dung thơ Hồ Xuân Hương là tất yếu. Cùng với thành tựu của văn học dân gian, nhiều hình thức văn hóa dân gian cũng xuất hiện mang đậm màu sắc triết lý tôn giáo. Đây chính là cơ sở để chúng ta lý giải được hiện tượng gọi là ''dâm'' và ''tục'' trong văn hóa dân gian. Có lẽ hiện tượng ''dâm'' và ''tục'' của văn hoá dân gian bắt nguồn từ tín ngưỡng phồn thực. Đây là thứ tín ngưỡng phổ biến nhất của loài người từ thời kỳ đồ đá. Trên nền tảng sự phát triển của văn hoá dân gian và tín ngưỡng phồn thực phong phú, giàu chất triết lý ấy, Hồ Xuân Hương đã đưa vào thơ mình những hình tượng rất bình thường nhưng lại thể hiện được nét trào phúng, đa nghĩa.Chẳng hạn: Trong bài "Cái quạt" nhà thơ viết "Mười bảy hay là mười tám đây" thì có nghĩa là mười bảy hay là mười tám cái nan quạt hoặc mười bảy hay mười tám tuổi của thiếu nữ. Hay trong bài "Trống thủng" nhà thơ cũng viết: "Của em bưng bít vẫn bùi ngùi" thì có thể hiểu đây là mặt trống và cũng có thể hiểu là cơ thể của người con gái.

Phần lớn tính đa nghĩa trong thơ Hồ Xuân Hương chủ yếu nằm ở nét trào phúng. Tuy nhiên, không phải hiện tượng trào phúng nào của nhà thơ cũng mang tính đa nghĩa. Có bài thơ bà đã chửi thẳng vì bà đã nhìn thấy những điều nghịch lý phi tự nhiên (Sư hổ mang) còn lại đa số các bài thơ của bà phép ẩn dụ trào phúng lại tạo nên tính đa nghĩa. Ví dụ bà tả cái giếng thơi:

Cầu trắng phau phau đôi ván ghép

Nước trong leo lẻo một dòng thông

Cỏ gà lún phún leo quanh mép

Cá giếc le te lách giữa dòng.

Đúng là cái giếng thật, tất nhiên là cái giếng ngày xưa không xây bằng gạch mà chỉ đào sâu xuống đất rồi bắc ván làm chỗ đứng để múc nước. Mép giếng có cỏ gà mọc, dưới giếng có cá giếc đang bơi - đó là nghĩa thứ nhất. Còn nghĩa thứ hai thì mọi người đều hiểu đây chính là ''cái ấy'' của người phụ nữ. Thơ Xuân Hương quả thật vô cùng độc đáo và luôn mang biểu tượng của tín ngưỡng phồn thực.

Rất nhiều ví dụ để chứng minh sự độc đáo này trong thơ Hồ Xuân Hương. Có thể nói thơ Hồ Xuân Hương là cả một thế giới trào phúng ẩn dụ, đa nghĩa: Cũng là cái trống, cái giếng, cái quạt mà cũng là... ''cái ấy" cũng là chuyện dệt cửi mà cũng là ...chuyện ấy; cũng là trò đánh đu mà cũng là... trò ấy; cũng là hang Thánh Hoá mà cũng là...hang ấy. Bà chúa thơ Nôm đã "chôn chặt văn chương ba tấc đất", chắc bà cũng ngậm cười vì hậu thế còn mãi tranh cãi về thơ mình có ''dâm'', có ''tục'' hay không. Bà đã để lại cho hậu thế những dòng thơ "thi trung hữu hoạ, "thi trung hữu tiên" và ''thi trung hữu quỷ". Với bản lĩnh đó, chúng ta cũng đoán rằng, đương thời nếu có kẻ nào đó hoạnh hoẹ thơ bà sao lại "dâm" và "tục" đến thế? Bà sẽ ngạo nghễ trả lời:"Chỉ có kẻ nào có tâm hồn đen tối thì mới nhìn sự vật đen tối, cái quạt như thế thì tôi tả như thế, cảnh dệt cửi như thế thì tôi tả như thế... ai muốn hiểu thế nào thì hiểu''. Vì thế, bà đã thành công trong việc tạo ra một nét nghệ thuật trong thơ mang tính đa nghĩa, lấp lửng, ỡm ờ.

2. Thơ Nôm Hồ XuânHương với tín ngưỡng phồn thực trong văn hoá dân gian Việt Nam

Bằng cái nhìn Văn hóa học, các nhà nghiên cứu dễ tìm thấy mối quan hệ của thơ Nôm Hồ Xuân Hương, nhất là khía cạnh gọi là ''dâm'', ''tục''. Từ năm 1968, trong lời giới thiệu thơ Hồ Xuân Hương, nhà văn học người Nga Niculin đã khẳng định được sự gắn bó mật thiết giữa thơ Hồ Xuân Hương với văn hóa dân gian Việt Nam. Ông viết: ''Trong việc nghiên cứu sáng tác của Hồ Xuân Hương, theo ý chúng tôi, những nhận định cơ bản có tính chất lý luận với nền văn hóa nhân dân thời kỳ trung cổ và phục hưng có một ý nghĩa rất lớn. Điều đó có thể giúp ta rút ra một quan niệm mới về qui tắc thẩm mĩ của Hồ Xuân Hương như chúng ta đã được biết, vốn bắt nguồn từ nền văn hóa trung cổ của nhân dân Việt Nam và lối thi vị hóa, lý tưởng hóa độc đáo những cá tính vật chất nhục thể ''{Tr. 161, 162}.

Niculin đã có sự so sánh, đối chiếu để thấy được sự ảnh hưởng của văn hóa Việt Nam đối với thơ Hồ Xuân Hương. Một số nhà nghiên cứu khác cũng đã tìm cách lý giải hiện tượng ''dâm'', ''tục'' trong thơ bà. Họ đã bắt đầu đặt ra vấn đề: Phải chăng ''tín ngưỡng phồn thực là cơ sở sâu xa của tâm linh người Việt, là nguồn gốc của văn hóa ''dâm'', ''tục'' và trên cái nền này mọc ra Hồ Xuân Hương, nghĩa là chưa ai lần ra đường dây lịch sử: Tín ngưỡng phồn thực, tục thờ cúng phồn thực – lễ hội phồn thực – văn hóa ''dâm'', ''tục'' – thơ Hồ Xuân Hương'' {1, 51}. Người đầu tiên tiến hành nghiên cứu thơ Hồ Xuân Hương đặt trên cơ sở tín ngưỡng phồn thực là Tam Vị trên Tạp chí văn học số 3, với bài viết: ''Tinh thần phục hưng trong thơ Hồ Xuân Hương''. Ông viết: ''Trong văn hóa nghệ thuật dân gian và thành văn cổ đại và trung đại của nhiều dân tộc, người ta thấy không hiếm sự mô tả cả tả thực lẫn cách điệu hóa các bộ phận sinh dục nam và nữ, cảnh giao hoan trai gái, các hình tượng linga và yoni trong nhiều nền văn hóa Tây Á và Đông Á (ví dụ những di tích, di vật ở văn hóa Chàm trên lãnh thổ Việt Nam hiện nay) chính là sự cách điệu hóa hai cái của quí đó mà thôi. Những hình tượng ấy được thờ phụng, những cảnh giao hoan được tái hiện trong các nghi lễ phồn thựcbằng cách người ta diễn đạt lời khấn nguyền cho mùa màng bội thu, gia súc sinh sôi và đàn bà mắn đẻ'' {3, 56}. Tác giả đã đem truyền thống của văn hóa phồn thực dạt dào niềm vui thế tục đối chiếu với nội dung thơ Hồ Xuân Hương để chứng tỏ rằng bà không hề cá biệt, chẳng hề bệnh lý như người ta lầm tưởng.

Từ nhận định của hai nhà nghiên cứu trên, chúng tôi thấy, trong thơ Nôm Hồ Xuân Hương có nhiều biểu tượng được lặp đi, lặp lại với tần số cao – đó chính là biểu tượng phồn thực. Trước hết là hình ảnh cổ xưa của âm dương vật và các hành động tính giao, sau đó là những hình ảnh, hình tượng phái sinh.

Con người sinh ra từ lòng đất mẹ. Hang động là chỗ trú ngụ đầu tiên, nơi bảo vệ con người khỏi đói rét của kẻ thù – là hình ảnh sơ thủy của âm vật. Thơ Hồ Xuân Hương nói nhiều đến hang (hang Thánh Hóa, chùa Thầy, hang Cắc Cớ...), động (Động Hương Tích), kẽm (Kẽm trống), đèo (Đèo Ba Dội)...Hang là chốn thiêng, nơi người nguyên thủy vẽ những bức tranh săn bắt với ý nghĩa ma thuật, về sau thường là nơi thờ cúng. Hình tượng thứ hai là giếng - giếng là một thứ huyệt đất. Nhiều huyền thoại kể về con người chui ra từ bụng đất, ra từ giếng. Ngoài ra, với nhà nông, giếng là một trong những nguồn cung cấp nước làm tươi tốt mùa màng.

Trong văn hóa Việt Nam, biểu tượng của dương vật hình như ít hơn ở Ấn Độ - nơi vai trò của nam thần trội hơn, nơi mang dấu ấn của văn hóa chăn nuôi đậm nét. Tuy vậy, thơ Hồ Xuân Hương cũng xây dựng được những hình ảnh khá thú vị ''Dê cỏn buồn sừng húc dậu thưa''. Đằng sau sự liên tưởng về hình dạng, sừng còn là biểu tượng của chăn nuôi, của dương tính, của sinh thực khí nam.

Cuối cùng là hành động của tính giao. Có lẽ hành động cổ sơ hơn cả là ''đánh đu''. Đây là qui luật bù trừ, đắp đổi năng lượng nam (dương) và năng lượng nữ (âm) mang một ý nghĩa phồn thực. Những biểu hiện khác như ''Dệt cửi'', ''Tát nước'', ''Đánh trống''...ngoài sự mô phỏng của hành vi tính giao còn có tín ngưỡng văn hóa sâu xa: Dệt vải là sự đan kết của những sợi dọc và những sợi ngang để thành một tấm – biểu hiện của âm dương hợp nhất; đánh trống thì cái trống có khoảng không bên trong, là biểu tượng của âm vật.

Tín ngưỡng phồn thực thể hiện trong văn hoá dân gian rất phổ biến mà tập trung ở các loại hình nghệ thuật như hội hoạ, điêu khắc và nội dung của lễ hội. Nhiều người cho rằng thơ Hồ Xuân Hương chứa nhiều yếu tố ''dâm'' và ''tục''. Để lý giải điều này một cách thoả đáng thì chúng ta phải dựa vào cơ sở của một nền tảng văn hoá như nhà nghiên cứu Đỗ Lai Thuý đã từng nói: "Thơ Hồ Xuân Hương là sự kết hợp ở đỉnh cao của dòng văn hoá ''dâm'', ''tục'' và khát vọng sống cá nhân mà cơ sở sâu xa là tín ngưỡng phồn thực - một sự gặp gỡ thiên tài giữa dân gian và bác học, giữa cá nhân và cộng đồng, giữa bản ngã và bản thể" [1, 22].

Trên cơ sở này, chúng ta có thể lý giải được vì sao trong thơ Hồ Xuân Hương xuất hiện nhiều lần những hình ảnh cổ sơ của âm vật và những biểu hiện của hành động tính giao. Xuân Hương nói nhiều đến hình ảnh hang động, đến cái giếng - một thứ huyệt đất. Những hình ảnh trong thơ Hồ Xuân Hương là hình ảnh mới lạ gợi cho người đọc sự liên tưởng. Xuất phát từ cơ sở của văn hoá phồn thực, Xuân Hương coi thân thể của người phụ nữ là vẻ đẹp thiên phú, là sản phẩm vốn có của tự nhiên nên việc miêu tả ''cái ấy'' cũng là lẽ đương nhiên. Trong xã hội bị ràng buộc khắt khe của những lễ giáo và định kiến khắc nghiệt, đề cập đến những vấn đề đó quả không dễ. Song với tài sử dụng ngôn ngữ điêu luyện và những hình ảnh ẩn dụ, Hồ Xuân Hương đã đem đến cho người đọc hàng loạt những hình ảnh về vẻ đẹp thân thể của người phụ nữ:




Cửa son đỏ loét tùm hum nóc

Hòn đá xanh rì lún phú rêu

Hay:

Trời đất sinh ra đá một chòm

Nứt ra hai mảnh hỏm hòm hom.

Không dừng lại ở việc miêu tả ''chuyện ấy'' ''cái ấy'' của phụ nữ, Hồ Xuân Hương cũng mạnh dạn đưa hình ảnh ''cái ấy'' của đàn ông vào trong thơ. Nếu trong dân gian mượn câu đố: "đầu trổ xuống, cuống trổ lên'' để miêu tả thì trong thơ Hồ Xuân Hương lại dùng hình ảnh giàu sức liên tưởng mang phong cách của văn chương bác học, một lối ẩn dụ, ám chỉ thật tài tình:

Ong non ngứa nọc châm hoa rữa

Dê cỏn buồn sừng húc dậu thưa.

Hay:

Của em bưng bít vẫn bùi ngùi,

Nó thủng vì chưng kẻ nặng dùi.

Đằng sau những hình ảnh "Dê cỏn buồn sừng húc dậu thưa''; ''Nó thủng vì chưng kẻ nặng dùi'', thơ Hồ Xuân Hương còn biểu hiện nhiều hình ảnh tương tự như:

Thắp ngọn đèn lên thấy trắng phau

Con cò mấp máy suốt đêm thâu.

Hai chân đạp xuống năng nhăng nhắc,

Một suốt đâm ngang thích thích mau.

Hình ảnh trong thơ Hồ Xuân Hương không chỉ là biểu hiện của âm dương vật mà còn miêu tả khá táo bạo những hành động của tính giao (chúng tôi đã nói ở trên). Chúng ta tiếp nhận thơ Nôm Hồ Xuân Hương từ góc độ của tín ngưỡng phồn thực trong văn hoá dân gian Việt Nam là một cách tiếp nhận có cơ sở khoa học. Có như thế, chúng ta mới thấy được sự đan xen chặt chẽ giữa văn hoá và văn học. Đồng thời qua đó mới có điều kiện lý giải những tầng ý nghĩa sâu kín từ những bài thơ của nữ sĩ họ Hồ. Nghiên cứu nội dung thơ Nôm Hồ Xuân Hương từ ý nghĩa Văn hoá của tín ngưỡng phồn thực là một yếu tố tạo nên sự phong phú, trọn vẹn về mặt nội dung, tư tưởng và sự thống nhất trong một chỉnh thể nghệ thuật. "Trở về với tín ngưỡng phồn thực, Hồ Xuân Hương đã phục nguyên lại ý thiêng của cái tục. Bởi vì, từ cội nguồn, trong tư duy bất nhị nguyên, thiêng là tục, tục là thiêng. Đây là một đòn giáng mạnh vào những cấm kị xã hội. Hơn nữa, trở về với tín ngưỡng phồn thực, nhà thơ đã làm nổi rõ tính vũ trụ của tính dục. Đó là thuộc tính của trời đất, con người, động vật, cây cỏ. Tín ngưỡng phồn thực chìm sâu trong thơ Hồ Xuân Hương tạo ra một cơ sở triết học, nhân sinh kết nối toàn bộ thi phẩm của bà trở thành một chỉnh thể nghệ thuật'' {1, 23}.

III. Việc giảng dạy thơ Nôm Hồ Xuân Hương ở trường Cao đẳng Sư phạm

Khi tìm hiểu thơ Nôm Hồ Xuân Hương dưới góc độ của tín ngưỡng phồn thực trong văn hoá dân gian Việt Nam, chúng tôi nhận thấy, việc giảng dạy thơ bà là một việc hết sức phức tạp và tế nhị. Vấn đề ở đây là người đọc chúng ta hiểu thơ Xuân Hương theo hướng nào và chúng ta có chấp nhận lối nói nước đôi của Xuân Hương hay không? Chúng ta phải thừa nhận thủ pháp thơ Xuân Hương có một không hai. Nghĩa thứ hai trong các bài thơ thì thời Xuân Hương nếu nói trắng ra dễ gì được chấp nhận? Hơn nữa, ngay thời đại hiện nay, nhìn những câu văn đậm tính dục người ta còn ngỡ ngàng huống gì người đọc của những thế kỷ trước? Người Việt ta thực ra không quá khó tính nhưng cũng không dễ dàng trước những hình thức quá thô kệch, xấu xí, trái với thẩm mỹ truyền thống. Vì thế, những lời tương tự thế này: "Cuộc đời còn đang đẹp thế, đàn bà con gái còn đang nhiều quá trời, thơm tho thế, chết uổng lắm, ráng mà sống, sống què quặt cũng được" (Đó là lời phát biểu của nhân vật Tám Tính, một người lính trong tác phẩm "Ăn mày dĩ vãng" của Chu Lai) có khi không được chấp nhận. Hoặc những câu đậm đặc vật chất xác thịt của Đỗ Hoàng Diệu (Bóng đè) làm sao người ta có thể yên tâm khi những tác phẩm này tới tay lứa tuổi mới lớn? Nhưng hình thức thơ Xuân Hương biểu đạt nội dung hai mặt, điều thú vị được ẩn bên trong thông qua các lớp nghĩa tạo thành thì người ta chấp nhận dễ dàng hơn, đồng thời còn cảm thấy hưng phấn khi tự mình phát hiện điều bí ẩn đó. Tính thích tưởng tượng, ưa tò mò, mê khám phá cũng là một đặc tính dễ thương của người Việt chúng ta.

Muốn giảng dạy thành công về tác giả này, nên chăng, giảng viên phải hướng dẫn cho sinh viên vận dụng kiến thức của văn hóa dân gian đã được học để tiếp nhận thơ Nôm của bà. Thứ hai, trong giảng dạy, giáo viên cần phải cho sinh viên hiểu được rằng: văn học không thể từ chối những khát khao cháy bỏng vốn thường trực sẵn trong mỗi con người, vì nếu từ chối nó, văn học sẽ đi trên mây, chân không chạm đất, đến một lúc nào đó người ta sẽ không ngửa cổ mãi lên trời để thưởng thức nó, người ta phải rời bỏ nó và như vậy văn học sẽ biến mất. Những gì thuộc về con người phải được nâng niu, trân trọng, tất nhiên không đi quá trớn như một số người hiện nay. Thứ ba: Giảng viên nên chú ý đến hệ thống các từ láy, nói lái, chơi chữ, từ tượng thanh, từ tự xưng, khẩu ngữ, tiếng chửi… Chẳng hạn: Giảng viên có thể nói tới hiện tượng nói lái bởi vì hiện tượng nói lái trong thơ Hồ Xuân Hương lại mang nhiều yếu tố ''tục''. Không phải mất công tìm kiếm, người đọc sẽ thấy xuất hiện khá nhiều: lộn lèo, đá đeo, trái gió, đếm lại đeo, đáo nơi neo, suông không đấm, …Những từ này chỉ có Xuân Hương mới dùng mạnh tay, không nhà thơ thời trung đại nào dùng nhiều những từ này. Xét ngữ nghĩa của từng từ đều có ý nghĩa, hoàn toàn không chỉ để lái lại. "lộn lèo" là dây lèo của thuyền buồm bị ngược gió phải lộn ngược trở lại, "trái gió" là ngược gió, "đáo nơi neo" nghĩa là đi đến một nơi nào đó, còn những từ khác hầu như có nghĩa đúng như nó vốn có. Tuy nhiên, những từ này khi lộn trái lại thì nó hoàn toàn tạo ra một nghĩa khác. Nghĩa này thực ra cũng không hề xa lạ với ý nghĩa chung toàn bài, đối tượng chính vẫn là những nhân vật đã được đề cập đến. Ông sư trụ trì buồn tình "đáo nơi neo", để cho chú tiểu để "suông" chày kình "không đấm", bà vãi thì ngồi lần tràng hạt hết "đếm" lại "đeo"…Luận ra nghĩa thứ hai, các hoạt động đó cũng thuộc về ông sư, bà vãi, chú tiểu - cả một thế giới tu hành đã bị đảo lộn. Tài tình ở chỗ những từ ngữ này đều mang nghĩa và không quá sống sượng, chớt nhã khiêu dục…Xuân Hương cố tình giới thiệu cho người đọc hai sự vật hiện tượng trong một bài thơ. Nó vừa là hình ảnh thực vừa là hình ảnh gợi nên một hình ảnh khác. Xuân Hương không che giấu, không khuất lấp, mà chính Xuân Hương hé lộ cho chúng ta tiếp nhận cảnh tượng của một không gian buồng khuê với nhiều sắc độ tối, đậm, và đầy sức lôi cuốn.
Với phong cách Xuân Hương thì trong thơ không thể thiếu những từ ngữ mang ý nghĩa phồn thực. Chúng góp phần làm nổi rõ một Xuân Hương trái tính trái nết, mạnh mẽ, ngang bướng, đanh đá, chua ngoa, hay gây gổ, “trời không sợ, đất không sợ” như các nhà phê bình thường nói. Điều này chứng tỏ con người Xuân Hương là con người đa chiều, đa phương diện, sống động, và nhất là luôn hút hồn người khác bằng thứ ngôn ngữ tài tình vừa quen vừa lạ, vừa truyền thống vừa hiện đại và hết sức độc đáo.
Từ những kết quả nghiên cứu trên, chúng tôi nhận thấy văn hoá dân gian nói chung, văn học dân gian nói riêng là sản phẩm tinh thần vô giá của một dân tộc. Nó thấm sâu vào ký ức, tâm tư của mỗi người tự lúc nào không biết một thứ tài sản vô hình mà chúng ta không thể sờ mó, nhận thấy được, song nó sẽ bộc lộ trong cách ứng xử, trong lời nói của mỗi con người. Đối với người nghệ sĩ cũng thế, mỗi tác phẩm nghệ thuật của họ ra đời đều phảng phất âm hưởng của nền văn hoá thời đại. Vì thế, khi nghiên cứu, giảng dạy thơ Hồ Xuân Hương mà không đi từ cơ sở Văn hoá dân gian là một việc làm mạo hiểm, thiếu độ chắc chắn. Tôi xin mượn lời của nhà phê bình văn học Phạm Quang Trung để thay cho lời kết luận của mình: "Nghiên cứu thơ Nôm Hồ Xuân Hương mà không bắt nguồn từ cơ sở văn hoá thì cũng như người ta leo cây mà lại bắt đầu từ ngọn".

Tài liệu tham khảo

1. Đỗ Lai Thuý - ''Hồ Xuân Hương - hoài niệm phồn thực'', TCVH số 10/ 1994.

2. Niculin - Thơ Hồ Xuân Hương. NXB Khoa học, Macxcơva.

3. Tam Vị - ''Tinh thần phục hưng trong thơ Hồ Xuân Hương''. TCVH số 3/1991.
Gaquay
Gaquay
Admin

Tổng số bài gửi : 34
Join date : 23/09/2011

https://hocvanvanhoc.forumvi.net

Về Đầu Trang Go down

Về Đầu Trang

- Similar topics

 
Permissions in this forum:
Bạn không có quyền trả lời bài viết