Văn học - Literature - 文学
Các bạn đang truy cập vào forum YEUVANHOCVAN.FORUMVI.COM để trao đổi và thảo luận các vấn đề văn học trong trường THPT. Hãy đăng nhập để chúng tôi biết bạn là ai nhé

Join the forum, it's quick and easy

Văn học - Literature - 文学
Các bạn đang truy cập vào forum YEUVANHOCVAN.FORUMVI.COM để trao đổi và thảo luận các vấn đề văn học trong trường THPT. Hãy đăng nhập để chúng tôi biết bạn là ai nhé
Văn học - Literature - 文学
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.

Tâm trạng Thúy Kiều khi trao duyên

Go down

Tâm trạng Thúy Kiều khi trao duyên Empty Tâm trạng Thúy Kiều khi trao duyên

Bài gửi by Gaquay Tue Apr 10, 2012 8:03 pm

Trao Duyên

Từ điển Tiếng Việt do Hoàng Phê chủ biên năm 1994 có định nghĩa : “Duyên: Phần cho là trời định dành cho mỗi người, về khả năng có quan hệ tình cảm (thường là quan hệ nam nữ, vợ chồng) hòa hợp, gắn bó nào đó trong cuộc đời” (tr.259). Và như thế Trao duyên là gửi gắm nỗi niềm nhớ thương của một người dành cho một người, ấy là cuộc hành trình nối liền trái tim đến trái tim với những rung động luyến ái chân thành. Thế nhưng với Kiều, kỳ lạ thay Trao duyên lại là nước mắt phụ tình, là nỗi lòng đứt đoạn của một kiếp hồng nhan trong cõi đoạn trường bạc mệnh.

Trao duyên là câu chuyện của hai người: kẻ trao và người nhận nhưng chạy suốt đoạn trích lại là tiếng nói của một người, đúng hơn là tiếng nói đa thanh của một tâm trạng. Những mâu thuẫn ấy đã đưa người đọc đến với Trao duyên vừa để thỏa mãn tính tò mò bởi những xung động tâm lý phức điệu mang đậm đặc yếu tố phi logic, vừa để chứng kiến nỗi đau đầu đời của người con gái Tài-Tình hiếu hạnh Thúy Kiều: nỗi đau tự cắt bỏ duyên tình.

“Yêu nhau cởi áo trao nhau”. Nhưng trao áo cũng không phải là chuyện dễ dàng bởi những bối rối trong cảm xúc yêu thương của cả hai phía, người ta hiểu rằng trao áo cũng chính là trao thân gửi phận nhưng so với trao duyên thì sự khó khăn ấy còn nhân lên gấp bội. Áo vốn là vật hữu hình, là yếu tố định lượng, còn Duyên vô hình, là yếu tố định tính, lại đặt trong cái thế của “tình chị, duyên em” thì chuyện ấy, “hở môi ra” đã thẹn. Biết thẹn mà phải nói, nói để mà trao. Trao để tình chàng Kim không còn dang dở, trao để bước chân phong trần của đời mình không còn níu kéo duyên tình. Còn gì đau đớn hơn khi tự tay mình phải cắt bỏ mối tình đầu thơ mộng, còn gì đau đớn hơn trái tim yêu vùi dập trong nước mắt chia lìa. Chỉ có một đêm, nhưng cái đêm ám ảnh ấy Kiều phải tàn nhẫn với chính mình, phải quay lưng lại với những điều mà nàng vẫn tôn thờ. Trăm mối tơ lòng ngổn ngang, câu chuyện “hở môi ra cũng thẹn thùng” giờ là nỗi trăn trở đè nặng lên đêm cuối định mệnh của Kiều. Làm sao để Vân có thể chấp nhận chàng Kim? Làm sao để Vân mở lòng để đón một chữ tình dang dở?

Câu thơ mở đầu đoạn trích như lời van xin, như lời cầu khẩn:

Cậy em em có chịu lời

Ngồi lên cho chị lạy rồi sẽ thưa

Một không gian nghi lễ được thiết lập trên cả hai phương diện: lời nói và hành động. Lời nói trang trọng, không đơn thuần là lời ướm hỏi mà mang theo nó là bao nhiêu xúc cảm khác nhau, có niềm tin, niềm hy vọng tha thiết, có sự mong mỏi khát khao, có cả hơi thở dài như lời trăng trối của một người sắp hóa thân vào cát bụi. Hành động lạy-thưa khiến câu chuyện giờ không còn là của Chị và Em, bức tranh Trao duyên hằn sâu vào câu chữ là hình ảnh của một người ngồi và một người quỳ. Đó là câu chuyện giữa kẻ trên và người dưới, giữa người ban ơn và kẻ chịu ơn. Cái động thái thay bậc đổi ngôi, tiên lễ hậu văn đã đẩy Vân vào thế bị động. Vân không thể nói bởi Vân đang đi từ hết ngỡ ngàng này đến ngỡ ngàng khác. Hai từ “cậy” - “chịu” cùng cái cúi đầu của Kiều trước Vân như sợi dây vô hình đã buộc chặt cuộc đời Vân với một cuộc đời khác. Có lẽ Vân chưa thể hiểu rằng Vân đang đối diện với một trách nhiệm nặng nề nhường nào, nàng cũng chưa hiểu chỉ với hai câu thôi nhưng cuộc đời của Vân tử khoảnh khắc ấy trở đi đã sang một bước ngoặt mới.

Và khi những bối rối ban đầu không còn thì Trao duyên bắt đầu với câu chuyện của Hiếu và Tình:

Giữa đường đứt gánh tương tư

Keo loan chắp mối tơ thừa mặc em

Kể từ khi gặp chàng Kim

Khi ngày quạt ước, khi đêm chén thề

Sự đâu sóng gió bất kỳ

Hiếu tình khôn lẽ hai bề vẹn hai?

Mối tình Kim-Kiều được hồi chiếu lên miền của tâm thức bởi một loạt những từ “khi”. Khi gặp chàng Kim-khi ngày quạt ước- khi đêm chén thề là những mảng đoạn của ký ức về một thời hoa mộng. Cái nồng nàn, mạnh mẽ của mối tình đầu vượt qua sự kiềm tỏa của lễ giáo phong kiến, vượt qua cả những định kiến hẹp hòi ngàn năm là điểm nhấn của khúc dạo Trao duyên. Mối tình ấy sẽ trở thành hạnh phúc trăm năm, sẽ đi vào thiên cổ nếu như không có gia biến. Tất cả như một giấc mơ. Lâu đài hạnh phúc tưởng mãi sẽ vững bền nhưng ngờ đâu chỉ là lâu đài cát, sóng gió cuộc đời đã thổi bay hạnh phúc về một nơi xa… Đắm mình vào câu chuyện tình yêu Kim-Kiều không phải Kiều đắm trong hạnh phúc hôm qua mà Kiều đang cho Vân thấy nỗi đau, sự mất mát quá lớn lao. Gia đình gặp nạn, bán mình chuộc cha đâu chỉ là trách nhiệm của riêng Kiều, còn là trách nhiệm của Vân. Với vai trò của người chị, Kiều đã gánh thay Vân nỗi đoạn trường nhưng Hiếu và Tình không thể trọn vẹn. Chữ Hiếu Kiều đã trả thay Vân. Chữ Tình còn chơi vơi, ai sẽ là người nối sợi dây duyên tình ấy, ai sẽ là người khiến giấc mơ hạnh phúc kia thành hiện thực, khiến câu chuyện Kim Kiều trở thành cái đẹp trường tồn nếu không phải là Vân. Kiều thấu hiếu những thiệt thòi, thấu hiểu cả những băn khoăn mà Vân sẽ phải đối mặt. Nàng hiểu mối tình của mình là “tơ duyên” còn mối tình của Vân chỉ là “tơ thừa”. Vẫn biết rằng tình chị duyên em là cay đắng, vẫn biết rằng Duyên phải là con đường từ trái tim đến trái tim nhưng Vân không có sự lựa chọn thứ hai. Đón trước mặc cảm của Vân cũng là đón trước sự cự tuyệt. Về cả lý và tình Vân không thể chối từ.

Ngày xuân em hãy còn dài

Xót tình máu mủ thay lời nước non

Chị dù thịt nát xương mòn

Ngậm cười chín suối hãy còn thơm lây!

Câu thơ nghe não lòng, nghe như có tiếng kêu thương thống thiết đến cả ngàn năm sau. Lời của Kiều càng nói càng thiết tha đến gan ruột : Chị dù thịt nát xương mòn. Ngậm cười chín suối hãy còn thơm lây. Vân hãy thay chị gá nghĩa với chàng Kim chắp nối duyên tình. Nghĩa của Vân chị khắc sâu vào tâm cốt, tình của Vân làm chị ấm lòng nơi chín suối. Thôi thì không lên duyên với chàng Kim nhưng thấy tình em bên người mình yêu dấu cũng dịu đi tấc lòng chua xót. Câu chuyện Trao duyên bắt đầu một cách kỳ lạ như thế. Điểm kết thúc là tình vợ chồng nhưng điểm khởi đầu lại là nghĩa chị em. “Xót tình máu mủ, thay lời nước non”. Chặng đường oan trái đã khiến mối tình Kim-Kiều giờ trở thành mối tình Kim-Vân-Kiều, chỉ có điều cùng một hiện tượng nhưng Thanh Tâm tài nhân khai thác ở góc độ mối tình tay ba với những éo le tình cảm nhằm thu hút thị hiếu tầm thường của độc giả còn Nguyễn Du đã nhìn xa hơn thế, cái ông thấy được ấy là điều Tố Hữu sau này đã từng nói: “Câu thơ còn đọng nỗi đau nhân tình”. Đọc Trao duyên, tôi hiểu người ta khen Nguyến Du “có con mắt nhìn thấu sáu cõi” có lẽ không chỉ là khen sự đa dạng trong cách thể hiện nhân vật của ông mà nằm ở việc khai thác chiều sâu thăm thẳm của những vi biến tâm trạng mà Nguyễn Du đã ghi lại bằng nghệ thuật ngôn từ.

Chiếc vành với bức tờ mây

Duyên này thì giữ vật này của chung

Dù em nên vợ nên chồng

Xót người mệnh bạc ắt lòng chẳng quên

Mất người còn chút của tin

Phím đàn với mảnh hương nguyền ngày xưa

Trao kỷ vật là phút giây thiêng liêng bởi đây là khoảnh khắc cuối cùng của Trao duyên. Đây cũng là lúc Kiều chính thức trở thành người thứ ba, đi bên lề hạnh phúc của người khác. Phải chăng vì thế mà kỷ vật được trao chia cắt rời rạc nằm trong từng đoạn thơ nhỏ: chiếc vành, bức tờ mây rồi đến phím đàn, mảnh hương nguyền. Điều này có cảm giác thời gian tâm lý ở đây được kéo căng theo mỗi kỷ vật. Mỗi kỷ vật trao cho Vân là một mảnh tình yêu cuối cùng tuột khỏi tay Kiều. Với Vân, ấy là vật vô tri, nhưng với Kiều mỗi kỷ vật là cả một trời ký ức, là nhân chứng cho một tình yêu hạnh phúc, là phút giây cuối mắt đầu mày, là lời thề nguyền gắn bó trăm năm... Từng vật, từng vật rời khỏi tay Kiều rồi đi mãi. Duyên này thì giữ, vật này của chung có lẽ là thoáng thảng thốt giật mình, là phút mà tiếng nói của lý trí đã bắt đầu xao động không còn sự tỉnh táo, không còn sự khôn khéo. Kiều hiểu rằng trao kỷ vật là ranh giới cuối cùng của trao duyên, bước qua ranh giới ấy Kiều sẽ còn lại gì? Hiếu đã trả, Tình đã trao, và lẽ sống của cuộc đời Kiều theo dòng đời mà tan biến. Kiều cũng hiểu rằng bước qua ranh giới ấy Kiều sẽ trở về với hư vô và cuộc đời trước mặt với bao sóng gió mịt mùng đâu sẽ là điểm tựa khi lá sổ tử vi của nàng chỉ còn là một con số không (0). Kiều muốn níu kéo một chút gì đó cho riêng mình. Hình như khi người ta mất một cái gì đó thì người ta mới hiểu thực sự giá trị của những gì mình đang mất. Kiều không nằm ngoài quy luật đấy, khi hiểu rằng chữ Duyên đã chính thức rời xa thì sự nuối tiếc mới thực sự lớn lao. Cho nên câu thơ “Duyên này thì giữ vật này của chung” là cả bao nhiêu sự giằng xé, níu kéo khủng khiếp trong tâm hồn, con tim của Kiều, Nguyễn Du quả thật tinh tế và cũng thật nhân bản trong ý thơ của mình. Những tưởng rằng trao xong Duyên là lòng nhẹ bẫng không còn vướng bận, con đường phía trước sẽ không còn gì níu kéo nhưng ai ngờ phút dứt tình lại là phút đau đớn nhất:

Mai sau dù có bao giờ

Đốt lò hương ấy so tơ phím này

Trông ra ngọn cỏ lá cây

Thấy hiu hiu gió thì hay chị về

Hồn còn mang nặng lời thề

Nát thân bồ liễu đền nghì trúc mai

Dạ đài cách mặt khuất lời

Rảy xin chén nước cho người thác oan

Một hơi thơ khác hẳn với lúc bắt đầu Trao duyên. Tâm thức đang chìm dần trong nỗi đau khôn nguôi. Bắt đầu từ đây Kiều mới thực sự cảm nhận được cái bi kịch của đời mình, bi kịch của sự mất mát, bi kịch của nỗi cô đơn. Nàng thấy mình đáng thương nhất, u uất nhất, cay cực nhất. Rồi như người mất hồn, vẫn ngồi đây, mà hồn thi bay xa xăm tận mai sau...Miệng đang nói với em mà như nhập đồng, hồn nói với hồn những điều hình dung, dự báo về mai hậu! Không phải tự nhiên mà trong một đoạn thơ ngắn mà Nguyễn Du để dày đặc những từ ngữ hoặc trực tiếp, hoặc gián tiếp nói đến cái Chết, đến cái Hư Vô. Nàng giật mình khi hiểu rằng: trên con đường nàng đi giờ chỉ còn có một mình. Thế giới trước mặt Kiều giờ chuyển sắc, không gian và thời gian đột nhiên trở nên lạc điệu, rơi như chính tâm trạng của nàng đang chới với. Đất trời quay cuồng trong lẽ u huyền, mang mang với hình ảnh của oan hồn, địa phủ. Dường như Kiều hiểu rằng Trao duyên là dấu chấm hết cho cuộc đời này và từ khoảnh khắc ấy, nàng không còn sống, nói đúng hơn là nàng chỉ còn tồn tại. Sự tồn tại của phần xác còn phần hồn thì đau đáu với những mất mát dày vò của một kiếp hồng nhan bạc mệnh. Chuỗi cảm xúc cứ men theo nỗi đau mà tăng tiến, lý trí theo thời gian mà lu mờ nhường chỗ cho một tiếng nói khác, tiếng nói của tình cảm. Xem trao duyên là lời độc thoại cũng đúng mà xem là tiếng nói đa thanh cũng đúng bởi đây là góc lưỡng diện của một con người. Đây là lúc Kiều trở về với đúng nghĩa những gì mà trái tim Kiều đã từng có. Một trái tim đang bị dày vò trong mất mát, run rẩy trước những sợ hãi vô hình. Ban đầu còn là sự tỉnh táo, càng về sau Vân càng mờ dần rồi mất hẳn. Đối diện với Kiều giờ không còn là Vân mà là cỏ cây, là hồn ma bóng quế, là dòng đời bão táp và là chính lòng Kiều. “Phận sao phận bạc như vôi” có thể nói đây là câu thơ đầu tiên mà Kiều ý thức về số phận của chính mình chỉ có điều Kiều chưa tìm ra lời giải cho ẩn số “bạc mệnh” ấy. Tại sao những con người tài hoa hay bạc mệnh? “Tài tử đa cùng, hồng nhan đa truân”, cái vòng định mệnh luẩn quẩn ấy Kiều không thể giải thoát, Nguyễn Du cũng không thể giải thoát. Gắn nó bằng một hiện tượng siêu linh hay gói nó vào một chữ “ phận” chỉ khiến người ta thêm bế tắc, chỉ khiến nỗi đau càng lên đến đỉnh. Hai câu thơ cuối là lời than, là lời tự trách, là điểm kết khi bị kịch đã dâng đến tột cùng.

Ôi Kim lang! Hỡi Kim lang

Thôi thôi, thiếp đã phụ chàng từ đây

Nỗi đau đã đưa Kiều bước ra khỏi sự kiềm tỏa khắc nghiệt của chế định phong kiến. Chẳng biết tự khi nào chàng Kim đã là một phần trong nàng để trong nỗi tuyệt vọng Kiều đã xem Kim Trọng là chồng, có lẽ tiếng kêu xé lòng ấy là niềm hạnh phúc bị đứt đoạn là giấc mơ tình yêu tan vỡ hay đó là tiếng kêu cuối cùng trước khi Kiều thoát thai về với cát bụi. Tiếng kêu không thực thi chức năng của nó, hai lần liên tiếp nhưng không phải để khẳng định một Kim lang trong nàng mà ngược lại để khẳng định cho những hư vô. Kim Trọng giờ đã là người của quá khứ. Hai từ “ Thôi thôi” là phút tắt lửa lòng. Trao duyên nhưng hóa ra lại là phụ tình. Nhịp thơ cắt 3/3 rồi đến 2/6 khiến người đọc có cảm giác như lệ ngưng tròng rồi một tiếng nấc nghẹn ngào và sau đó bao nhiêu đau đớn vỡ òa. Cả người Kiều, cả đời Kiều giờ là nước mắt….

Trao duyên rồi, ngỡ như khỏi phụ và “nợ tình” đành là trả được ít nhiều...Thế mà mãn cuộc trao duyên lại khóc “phụ chàng từ đây” là nghĩa làm sao? Thế mới thật sự là giằng xé, thật sự là bi kịch. Và con mắt tinh đời của Nguyễn Du mới đúng là “nhìn thấu sáu cõi”, lòng đau của Nguyễn Du mới đúng là “nghĩ suốt ngàn đời”.Quả như Chế Lan Viên đã nói: “ Đây chính là những vần thơ siêu thực” bởi vì lần đầu tiên trong lịch sử văn chương dân tộc, cái nghịch lí trong tâm trạng được phát hiện và sử dụng để phân tích nội tâm nhân vật tiểu thuyết, phải chăng đó chính là nét độc đáo, là lí do vì sao Truyện Kiều trở thành bất hủ!
Gaquay
Gaquay
Admin

Tổng số bài gửi : 34
Join date : 23/09/2011

https://hocvanvanhoc.forumvi.net

Về Đầu Trang Go down

Về Đầu Trang

- Similar topics

 
Permissions in this forum:
Bạn không có quyền trả lời bài viết